Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thị trường rộng lớn và môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, là những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường sữa tại Việt Nam. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi đó, ngành sữa Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sữa, kỹ thuật chăn nuôi, dây chuyền công nghệ, chi phí cũng như các chính sách, cơ chế khuyến khích từ Nhà nước.
Một ngành sữa với tiềm năng phát triển thị trường lớn
Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sữa tại Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo Thống kê từ Hiệp hội Thức ăn gia súc Việt Nam, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu tăng khoảng 61% , từ 500 triệu lít (năm 2010) lên đến 805 triệu lít (năm 2015). Các nhà chuyên môn đánh giá rằng tiềm năng phát triển của thị trường sữa tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Là một quốc gia đông dân và mức tăng dân số cao khoảng 1.2%/năm, thị trường sữa tại Việt Nam có tiềm năng lớn. Tỷ lệ tăng trưởng GDP 6-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 14.2%/năm, kết hợp với xu thế cải thiện thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao. Năm 2010, trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 15 lít sữa/năm. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, lên đến 28 lít sữa/năm/người.
Đặc điểm địa lý và khí hậu nhiệt đới xen với vành đai ôn đới tại Việt Nam rất thuận lợi cho phát triển đàn bò sữa. Các đồng cỏ như Hà Tây, Mộc Châu, Bình Dương… cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, phong phú và điều kiện sinh trưởng tốt.
Việc đầu tư phát triển ngành sữa vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất với chi phí nhân công thấp đồng thời mang lại sinh kế cho người dân thiếu việc làm và thiếu thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội, gắn liền lợi ích doanh nghiệp với cộng đồng.
Các thách thức của ngành sữa VN
Chăn nuôi bò sữa là ngành đòi hỏi kỹ thuật, đầu tư cao. Tuy nhiên, trên thực tế hơn, 95% số bò sữa ở nước ta được nuôi phân tán trong các nông hộ với quy mô nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Người dân không được hướng dẫn bài bản về kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trừ bệnh tật. Thêm vào đó, người nuôi bò hoàn toàn thụ động trước các tác động kinh tế, xã hội khác ảnh hướng trực tiếp đến quá trình chăn nuôi như việc tăng giá của con giống, thức ăn đầu vào hay chi phí đầu ra cho sản phẩm sữa thu hoạch.
Trong năm 2009, sản xuất sữa nguyên liệu từ đàn gia súc trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 20-30% tổng mức tiêu thụ sữa. Ở Việt Nam, chỉ có 5% của tổng số bò sữa được nuôi tập trung ở trang trại, phần còn lại được nuôi dưỡng bởi các hộ gia đình ở quy mô nhỏ lẻ. Đến cuối năm 2009, có 19.639 nông dân chăn nuôi bò sữa với mức trung bình là 5,3 con bò mỗi trang trại. Hậu quả là các sản phẩm sữa của Việt Nam là một trong những đắt nhất trên thế giới. Chi phí trung bình của sữa ở Việt Nam là USD1.40/litre, so với USD1.30/litre ở New Zealand và Philippines, USD1.10-1.20/litre tại Úc và Trung Quốc, và USD0.90/litre ở Anh, Hungary và Brazil, theo công bố của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor.
Để xây dựng một hệ thống chăn nuôi bò sữa đạt chuẩn, doanh nghiệp phải đầu tư một số vốn rất lớn. Hơn nữa, muốn đáp ứng yêu cầu thị trường, các doanh nghiệp trong ngành sữa phải nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài do kỹ thuật trong nước còn hạn chế ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm, doanh thu của doanh nghiệp. Các công ty sữa phụ thuộc vào sữa bột nhập khẩu hơn là sản xuất sữa tươi trong nước. Sản xuất sữa phải đối mặt với sự mất cân bằng cung và cầu khi đàn bò sữa trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20-30% tổng nhu cầu sữa trên toàn quốc. Sự phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài đối với nguyên liệu đầu vào tạo ra một nguy cơ chèn ép lợi nhuận do biến động giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), Việt Nam nhập khẩu 72 phần trăm của tổng sản phẩm sữa trong năm 2009, bao gồm 50 phần trăm sữa nguyên liệu và 22 phần trăm sữa thành phẩm.
Mặt khác, từ sau khi gia nhập WTO, doanh nghiệp sữa Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng do việc giảm thuế cho sữa ngoại nhập theo chính sách cắt giảm thuế quan của Việt Nam khi thực hiện các cam kết Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (cam kết CEPT/AFTA) và cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tâm lý “sính ngoại” của người Việt cũng tác động tiêu cực đến số lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa Việt Nam. Hiện nay, các sản phẩm sữa trong nước chỉ chiếm 30% thị phần nội địa.
Vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Do thiếu tiêu chí đánh giá cộng với quy trình kiểm định chất lượng sữa lỏng lẻo, nhiều loại sữa không rõ bao bì nhãn mác vẫn được bày bán một cách công khai. Vụ việc như sữa có Melamine, sữa có chất lượng thấp hơn so với công bố…, khiến cho các hoạt động tiêu thụ sữa gặp khó khăn, ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp sản xuất sữa.
Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, một số doanh nghiệp trong ngành sữa đã tìm cách đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường với nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo và thiết thực. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực tài chính và dịch vụ hỗ trợ, tư vấn để vận dụng thành công ý tưởng kinh doanh sáng tạo của mình.
Cơ hội lớn giải quyết thách thức cho DN Việt Nam
Với mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo thông qua các mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp, Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) được thành lập với cam kết hỗ trợ tư vấn kinh doanh và tài trợ không hoàn lại lên tới 49% tổng mức đầu tư của dự án. Quy mô tài trợ của VBCF sẽ nằm trong phạm vi từ 100.000USD đến 800.000 USDcho mỗi dự án được lựa chọn. Đây là một cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sữa Việt Nam nói riêng.
Để nhận tài trợ của VBCF, DN phải đưa ra được ý tưởng kinh doanh sáng tạo có thể áp dụng được vào thực tiễn, trong đó có sự tham gia của người thu nhập thấp theo hướng có lợi cho cả DN và người thu nhập thấp. Đề xuất đầu tư phải liên quan đến một trong các ngành thuộc ba lĩnh vực nông nghiệp, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầngvà dịch vụ cơ bản. Các DN phải chứng minh kinh nghiệm hoạt động của mình, ít nhất là hai năm, trong lĩnh vực liên quan đến dự án đề xuất và có khả năng đầu tư tối thiểu 51% ngân sách cho dự án.
Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) được thiết kế đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam thực hiện các mô hình kinh doanh sáng tạo cùng người có thu nhập thấp. Mục đích của quỹ là hỗ trợ doanh nghiệp đạt được lợi nhuận trong kinh doanh, đồng thời mang lại tác động tích cực về mặt xã hội cho người dân có thu nhập thấp. Quỹ VBCF được tài trợ bởi Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và được Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV quản lý từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 12 năm 2015.
Nhiệm vụ của Quỹ VBCF là phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo mang lại lợi ích thương mại cho các doanh nghiệp tư nhân và lợi ích phát triển cho người dân có thu nhập thấp. Các lợi ích phát triển bao gồm tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ cơ bản.
Theo PV