Dù rất dị ứng với vấn nạn hàng rong lấn chiếm lòng lề đường; xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan đô thị và đặc biệt là tình trạng không ít người bán hàng rong kinh doanh toàn đồ dỏm, không bảo đảm vệ sinh..., nhưng nhiều năm trôi qua, qua nhiều trải nghiệm, bài học này rất đúng.
Càng quan sát, chúng ta càng khâm phục cách kinh doanh của những người mà trình độ văn hóa đôi khi chưa hết cấp 1, cấp 2.
Với những người bán các loại đồ ăn như cá viên chiên, bắp nướng, khoai nướng..., họ luôn chọn đứng ở những địa điểm có hướng gió thổi mạnh và ít kẹt xe. Do đó, dù không có nhu cầu ăn uống, nhưng những người đi đường hầu như không thể nào “kiềm chế” được trước mùi vị hấp dẫn liên tục đập vào mũi “mời gọi”.
Còn với những người bán đồ chơi trẻ em như bong bóng, xe hơi,... thì họ xúc tiến việc bán hàng bằng cách “níu kéo” trẻ em thay vì cha mẹ, những người có trách nhiệm phải trả tiền. Họ tâm lý đến nỗi biết rằng khi trẻ em đòi thì không cách gì cha mẹ từ chối được, dù giá cả có ở trên trời. Cho nên người đi đường thường thấy những cháu bé chân bước theo mẹ mà mắt cứ ngoái lại phía sau trong khi người bán hàng tìm mọi cách biểu diễn hết công năng đồ chơi để thu hút ánh nhìn của nó. Cuối cùng, nhiều bé chẳng chịu đi mà cứ níu tay mẹ lại dù người bán hàng chưa cần lên tiếng chào mời...
Và tại sao giữa bao nhiêu người đi đường, người bán vé số cứ mời bạn hoặc mời bạn nhiệt tình hơn so với người khác? Bởi họ nhìn thấy ánh mắt bạn hướng tới xấp vé số, chứng tỏ bạn có quan tâm tới sản phẩm mà họ bán...
Kinh doanh thành công là biết tạo ra nhu cầu cho khách hàng, chọn đúng khách hàng mục tiêu và biết họ cần gì để phục vụ kịp lúc. Tất cả những điều này, giới kinh doanh đều được học qua nhưng chưa chắc làm được. Trong khi đó, những người bán hàng rong dù chưa học qua bao giờ nhưng họ thực hành rất thành công và rất bài bản. Trong thực tế, cũng đã có không ít người đã trở thành đại gia từ những ngày rong ruổi bán hàng vì họ đã từng tiếp cận nhu cầu khách hàng một cách gần gũi, xác thực nhất.