TẠI SAO SỮA NON CỦA MẸ ĐƯỢC XEM LÀ THẦN DƯỢC ?
1) Công dụng của sữa non:
- Sữa non chưa một nguồn kháng thể dồi dào, giúp cho cơ thể non trẻ của bé chống lại môi trường mới lạ (điều này hầu như ai cũng biết, và nghe nói rất nhiều).
- Sữa con tiếp tục nuôi niêm mạc hệ tiêu hoá và ruột chưa hoàn chỉnh, để chuẩn bị cho quá trình dinh dưỡng trường kỳ. (điều này cũng đã nghe nói, nhưng thường được chú trọng ở trẻ sinh non hơn ở trẻ sinh đủ tuần).
- Sữa non có các hoạt chất sinh hoá độc đáo để nuôi niêm mạc mắt, tai, mũi, họng - vì những niêm mạc này ở trong nước trong thai kỳ, nên chưa hoàn chỉnh để ứng phó với môi trường mới.
- Sữa non có các dưỡng chất đặc biệt AA, DHA, cholesterol... để nuôi não chưa hoàn chỉnh và tiếp tục phát triển cả sau khi sinh ra đời.
- Sữa non có một tổ hợp vi sinh phức tạp hoạt chất tạo kháng thể mới, khi gặp các vi khuẩn của mẹ, đã có sẵn trong ruột trẻ sơ sinh sẽ tạo kháng thể mới, cơ chế bảo vệ có mục tiêu này (targeted protection) được học từ sớm sẽ giúp trẻ có khả năng chống những vi khuẩn mới hiệu quả hơn, kể cả khả năng chống tế bào bất thường (ví dụ tế bào ung thư) sau này.
- Sữa non có những hoạt chất vi sinh, men, insulin, … và hocmon tăng trưởng trong 5 ngày đầu có chức năng lập trình đầu đời (early life programing) dạy cho niêm mạc ruột "chuẩn hấp thụ tối ưu" đối với cơ thể người, chỉ hấp thụ vừa đủ, đào thải khi dư thừa, chống tiểu đường, béo phì...
- Sữa non có dinh dưỡng thấp, vừa đủ cho những ngày đầu của bé, giúp đào thải nhanh phân su ra khỏi ruột bé, giúp giảm nhanh hiện tượng vàng da sinh lý khi bé được bú đủ sữa non.
- Sữa non dễ tiêu, nên chất bả được thải ra ngoài không cần cố gắng, trẻ không cần rặn ở thời gian này giảm thiểu các chứng bệnh về đường ruột và hậu môn khi trưởng thành.
- Sữa non có lượng muối cao, giúp sát trùng, chống nhiễm trùng ngay từ những giờ đầu tiên sau khi sinh.
- Sữa non có một lượng vừa đủ (5ml-10ml) hầu hết được trữ sẵn trong vú mẹ từ trước hoặc ngay khi trẻ sinh xong, vừa phù hợp với kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh ngày 1 (5ml-10ml) / mỗi cữ bú. (Vậy nếu cho bé bú 30ml sữa công thức ngay trong cữ bú đầu tiên là không đúng)
- Được mẹ ôm, nút ti mẹ và bú sữa mẹ, trẻ sẽ có thân nhiệt, nhịp tim, nhịp thở ổn định, an tâm như lúc còn nằm trong bụng mẹ.
2) Cơ chế tạo sữa non và cách thức duy trì:
Sữa non chỉ xuất ra trong 5 - 7 ngày đầu sau khi sinh, sau đó cơ thể mẹ sẽ xuất sữa già, hoặc chuyển tiếp sang sữa già, một số công dụng của sữa non như lập trình đầu đời và bảo vệ có mục tiêu sẽ không còn nữa.
Từ sau ngày thứ 5 - 7 chức năng dinh dưỡng gia tăng, để đáp ứng nhu cầu phát triển từ tuần thứ 2 của trẻ.
Như vậy có nghĩa trước khi vận hành cơ thể được lập trình, bỏ qua giai đoạn lập trình này dẫn đến tình trạng "hở ruột" có nghĩa là sau này ăn gì ruột cũng nhận vào hết, kể cả dư thừa, kể cả chất độc hại cho cơ thể, thể trạng trẻ không được tối ưu, dễ nhiễm bệnh từ nhỏ và khi trưởng thành dễ mắc các bệnh nan y, lâm sàng (đường ruột, tim mạch, tiểu đường, ung thư, mất trí nhớ, béo phì...).
Các bà mẹ nên làm thế nào để sữa non về nhanh trong ngày đầu tiên ?
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt cơ chế tạo sữa (production) và cơ chế tiết sữa (secretion) là 2 cơ chế riêng biệt.
Sữa non đã được tạo trong vú mẹ và tiết ra theo cơ chế hocmon (endocrine). Ở giai đoạn tiết sữa ban đầu cần có hocmon oxytocin, không phải nhờ lực mút, hay lực hút. (về sau cơ chế duy trì tiết sữa gọi là autocrine local control, mới phụ thuộc vào lực hút tại chỗ).
Cách thức để tạo hocmon oxytocin là gì ?
- Ôm con da tiếp da càng sớm càng tốt sau khi sinh và nhiều giờ trong tuần đầu tiên, cho con nút mẹ tự nhiên tốt nhất là trong giờ đầu tiên và không trễ sau quá 6 giờ sau khi sinh (nếu trẻ sinh mổ thì ngay sau khi trẻ được về với mẹ).
- Cho trẻ ngậm ti mẹ sâu lút hoặc gần hết quầng vú (1 - 1.5cm từ chân ti)
- Cho con nút, nhờ ngậm đúng cách lưỡi, nướu và môi sẽ massage đầu dây thần kinh ở quầng vú kích thích thần kinh tạo hocmon oxytocin.
- Khi bé ngậm đúng (good latch), bé phải ngậm hết quầng vú bên dưới, lưỡi nằm dài ra dưới quầng vú và trên nướu dưới, động tác nút sẽ có tác dụng massage đầu dây thần kinh, nhạy cảm nhất ở quầng vú góc 5 giờ ở bên vú trái, và góc 7 giờ ở bên vú phải, cách chân ti khoảng 1 - 1.5cm.
- Mẹ có thể tự massage quầng vú, bằng động tác vuốt nhẹ ở vị trí đầu dây thần kinh mô tả ở trên. (máy bơm sữa chưa có tác dụng ở giai đoạn này).
- Tuyệt đối không cho bé bú sữa công thức trước, vì ruột bị tráng qua sữa công thức, làm mất công dụng lập trình và một số công dụng khác của sữa non khi bé được bú sau đó.
- Tuyệt đối không cho bé bú ti nhựa hoặc ti giả (vú cao su) trước vì vị trí núm vú và cách nút ti nhựa và ti mẹ rất khác nhau, ti nhựa bé ngậm rất cạn, nên bé bú bình trước sau đó nút ti mẹ cũng sẽ rất cạn, không ngậm được hết quầng vú tạo thành khớp ngậm đúng, do đó không đạt yêu cầu massage nói trên, sẽ không tạo được oxytocin để tiết sữa. (bé ngậm ti mẹ không đủ sâu cũng là nguyên nhân gây nứt cổ gà sau này - do đó, không nên cho bé ngậm ti bình hoặc ti giả trước 6 tuần tuổi.)
- Mẹ uống nhiều nước (nước ấm hoặc sữa ấm), ăn uống bình thường, cơ thể mẹ đã được dự trữ rất nhiều trong quá trình mang thai, có thừa lượng mỡ để tạo sữa trong nhiều tháng đầu của thai kỳ mà không cần bồi dưỡng đặc biệt.
- Tinh thần thoải mái, nghĩ về con và tin tưởng vào bản năng của cơ thể và kiến thức nuôi con (đã học và đọc được trong thời gian mang thai).
- Tiếp tục cho bé tiếp da mẹ và nút ti càng nhiều càng tốt trong tuần đầu tiên, mà không cần theo lịch bú cụ thể nào cả.
Ngoài những lợi ích nói trên cho con, việc cho con bú sữa non từ ngày đầu sau khi sinh còn có vô vàn tác dụng tốt đối với sức khoẻ của mẹ.
Chúc tất cả các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công!
Ngày đăng 20/12/2015
Nguồn: Tổng hợp