Tìm hiểu cơ chế tạo sữa mẹ trước và sau 6 tuần kể từ lúc sinh
1. Cơ chế tạo sữa theo hocmon (cho dù con có bú hay không)
Trong 6 tuần đầu tiên kể từ khi sinh con, cơ chế tạo sữa và tiết sữa của cơ thể mẹ vận hành theo cơ chế kích thích của hocmon (endocrine control): việc tạo sữa nhờ hocmon Prolactin và hocmon tiết sữa Oxytocin.
Hai hocmon này được tiết ra khi tinh thần mẹ thoải mái, con tiếp da mẹ nhiều giờ trong ngày, con mút ti mẹ nhiều lần trong ngày (10 - 12 lần trong tuần đầu), mẹ con cảm nhận được mối liên kết mẫu tử. Trong đó, việc con ngậm ti mẹ đúng cách là cách kích thích đau dây thần kinh để tạo hocmon giúp rất hiệu quả.
Vì thế trong giai đoạn 6 tuần đầu tiên này, nếu tinh thần người mẹ không được thoải mái, giận, stress thì lượng sữa sẽ giảm đáng kể.
6 tuần này là thời gian cơ thể người mẹ chạy tối đa công suất sản xuất sữa, nếu hocmon được kích thích tối ưu. (Thường sản xuất dư thừa, và thường chảy sữa khi không bú, hoặc bú bên này chảy bên kia theo sự tăng giảm của hocmon là hoàn toàn bình thường.)
2. Cơ chế sản xuất sữa theo nhu cầu tại chỗ (tuyến sữa trống sữa thì sữa mới sản xuất tiếp)
Sau 6 tuần (trung bình, nhưng thời điểm chính xác có thể khác nhau tuỳ người), cơ chế tạo sữa vẫn phụ thuộc vào 2 hocmon, nhưng lại được "kiểm soát" bởi cơ chế tạo sữa theo nhu cầu tại chỗ (autocrine control).
Tốc độ tạo sữa dựa vào độ trống của tuyến sữa và ống dẫn sữa sau cữ bú. Càng trống sữa tạo cho lần sau sẽ càng nhanh.
Bầu vú không tự nhiên đến giờ là căng sữa sẵn như trước nữa. Cũng không tự động chảy ướt áo như trước nữa.
Hầu hết các mẹ không biết về sự thay đổi cơ chế này, chỉ thấy ngực rất mềm, không còn căng sữa, không còn chảy sữa, nên tưởng rằng mình bị giảm hay mất sữa.
Có những trường hợp các mẹ vẫn tiếp tục cho con bú như bình thường, thì vẫn luôn đủ sữa, nhưng có nhiều trường hợp các mẹ bổ sung sữa công thức, từ đó sữa mẹ giảm đi thật sự.
Do đó, từ sau 6 tuần cách kích sữa cho giai đoạn này phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ làm trống sữa trong tuyến sữa. Có nghĩa là bú hút càng nhiều thì sữa càng nhiều.
3. Kết luận:
Các mẹ nếu tự nhiên cảm thấy ngực không tự căng sữa nữa, sữa không còn tự chảy ướt áo, hay không còn bú bên này chảy sữa bên kia nữa, thì nhớ đến sự thay đổi tự nhiên này và yên tâm cho con bú mẹ càng nhiều để sữa mẹ được sản xuất càng nhiều nhé.
Chúc các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đầy tự tin!